Điện Biên Phủ là cứ điểm có ý nghĩa chiến lược khống chế cả một vùng rộng lớn của Tây Bắc và Thượng Lào. Với bộ đội ta, Điện Biên Phủ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay; diễn ra trên địa bàn rừng núi hiểm trở, đường cơ động cho pháo khó khăn, thời gian chuẩn bị gấp; nhưng có ý nghĩa quân sự, chính trị và ngoại giao rất quan trọng.
Thực hiện kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, Hội nghị Bộ Chính trị (họp ngày 6-12-1953) đã thông qua quyết tâm của Tổng Quân ủy: “Tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ mở chiến dịch tiến công tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”. Để thực hiện quyết tâm trên, sau khi tính toán kỹ lưỡng, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định thay đổi phương châm tác chiến ban đầu từ đánh nhanh, giải quyết nhanh sang đánh chắc, tiến chắc; cách đánh tập trung ưu thế binh hỏa lực đánh từng trận hay một số trận gối đầu
liên tiếp, diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm ngoại vi, “bóc vỏ” từ ngoài, mở đường tiến vào cánh đồng Mường Thanh. Với cách đánh này, Bộ chỉ huy chiến dịch chọn Him Lam là mục tiêu mở đầu. Đại đoàn 312 (thiếu Trung đoàn 165) được tăng cường 2 đại đội sơn pháo 75mm, 2 đại đội cối 120mm... có nhiệm vụ tiến công Him Lam, mở đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ; quá trình chiến đấu được 2 đại đội lựu pháo 105mm trực tiếp chi viện.
17 giờ ngày 13-3-1954, pháo binh ta thực hành hỏa lực chuẩn bị đạt hiệu quả cao, tạo điều kiện cho các lực lượng tiến công của Đại đoàn 312 cơ động chiếm lĩnh trận địa xuất phát xung phong. 18 giờ 30 phút, ta bắt đầu mở cửa. Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141 tiến công hướng chủ yếu, tiêu diệt Cứ điểm 1 (102); Tiểu đoàn 428 tiến công hướng thứ yếu, tiêu diệt Cứ điểm 2 (101A). Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209 tiến công Cứ điểm 3 (101B). Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, nhất là hướng chủ yếu của Trung đoàn 141. Đến 23 giờ 30 phút, trung tâm đề kháng Him Lam của địch hoàn toàn bị tiêu diệt, 270 tên bị bắt sống, Tiểu đoàn lê dương 3 bị loại khỏi vòng chiến đấu.
Ban đầu, Bộ chỉ huy chiến dịch xác định phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” với cách đánh tập trung ưu thế binh lực, hỏa lực đột phá chủ yếu từ phía Tây đánh thẳng vào trung tâm Mường Thanh, đồng thời từ phía Đông giáp công. Với phương châm, cách đánh này, mục tiêu mở đầu chiến dịch có thể chọn là một hoặc một số cứ điểm trên hướng tiến công chủ yếu từ phía Tây (311, 106) hoặc thứ yếu từ phía Đông (D1, C1, A1) vào Phân khu trung tâm.
Do địch tăng cường phòng ngự, ta gặp khó khăn trong công tác chuẩn bị, nhất là kéo pháo vào trận địa nên Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển sang phương châm "đánh chắc, tiến chắc", cách đánh “bóc vỏ” từ ngoài vào trong, tiêu diệt từng trung tâm đề kháng tiến tới tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ta xác định tiến công từ hướng Bắc, Đông Bắc vào trung tâm Mường Thanh và chọn Him Lam, Độc Lập là những mục tiêu mở đầu. Lúc đầu, ta chủ trương đánh cả Him Lam và đồi Độc Lập trong một đêm, sau đó sẽ tiêu diệt địch ở Bản Kéo. Sau khi cân nhắc, nhất là về khả năng pháo đạn chi viện cho bộ binh tiến công, ta quyết định tiến công Him Lam trước, rồi đánh Độc Lập vào đêm hôm sau để bảo đảm chắc thắng.
Chọn Him Lam làm mục tiêu mở đầu còn xuất phát từ vai trò trọng yếu của cụm cứ điểm này. Trung tâm đề kháng Him Lam là vị trí phòng ngự đột xuất của địch trên Đường 41, con đường huyết mạch tiến vào Phân khu trung tâm từ hướng Đông Bắc. Đây là địa hình có giá trị, gồm 5 điểm cao ở bình độ 500m, khống chế khu vực rộng lớn xung quanh; cùng với sông Nậm Rốm ở phía Bắc như một vật cản tự nhiên, thuận lợi cho phòng ngự. Xác định Đông Bắc là hướng tiến công chính của bộ đội ta nên địch huy động tối đa xây dựng Him Lam thành cụm cứ điểm kiên cố nhất, “cánh cửa thép” bảo vệ Mường Thanh. Cùng với Độc Lập, Bản Kéo tạo thành hệ thống phòng thủ vòng ngoài ngăn chặn ta từ xa. Giữ vững Him Lam trước các đợt tiến công của ta là biểu hiện đầu tiên chứng minh sức mạnh “bất khả xâm phạm” của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mà cả Pháp và Mỹ bỏ nhiều công sức xây dựng. Nhưng nếu để mất Him Lam thì Mường Thanh sẽ chẳng khác gì căn nhà bị mở toang cửa, hệ thống phòng thủ của chúng bị vỡ một mảng lớn vòng ngoài.
Đối với ta, Điện Biên Phủ là chiến dịch tiến công địch phòng ngự trong công sự kiên cố quy mô lớn nhất kể từ khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với nhiều lực lượng tham gia nên cụm cứ điểm Him Lam trên Đường 41 từ Tuần Giáo đi Mường Thanh là trở ngại lớn. Tiêu diệt được Him Lam, ta tạo được thế uy hiếp trực tiếp các mục tiêu còn lại của Phân khu trung tâm (nhất là sở chỉ huy địch ở Mường Thanh) ở cự ly gần; chia cắt Phân khu Bắc và Phân khu trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi tiêu diệt các cụm cứ điểm án ngữ phía Bắc; mở thông đường Tuần Giáo đi Mường Thanh để cơ động lực lượng, triển khai đội hình tiến công và vận chuyển khối lượng lớn vật chất bảo đảm cho chiến dịch theo tuyến đường này.
Chọn Him Lam làm mục tiêu mở đầu là kết quả phân tích, đánh giá chính xác những điểm yếu chí tử của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nói chung và Him Lam nói riêng. Phân tích khả năng phòng ngự của địch ở Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ ra hai nhược điểm “chết người” của “con nhím” này: Một là, tính cứng nhắc và thụ động của hệ thống phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm. Đó là một kết cấu chặt chẽ của nhiều cứ điểm, nhưng thực tế vẫn là những cứ điểm tách rời. Khi bị tấn công, từng cứ điểm phải sử dụng lực lượng của bản thân đối phó là chủ yếu. Điều này cho phép ta tập trung sức mạnh tiêu diệt từng cứ điểm. Hai là, Điện Biên Phủ bị cô lập giữa vùng rừng núi ta đã giải phóng, xa hậu phương địch, việc tăng viện và tiếp tế phải dựa vào đường không. Nếu ta khống chế hoặc cắt đứt đường không, “con nhím” này sẽ nhanh chóng mất sức chiến đấu. Việc khống chế sân bay Mường Thanh, cắt tiếp tế đường không của địch là nhiệm vụ nằm trong khả năng của chiến dịch.
Him Lam là cụm cứ điểm mạnh do Tiểu đoàn 3 thuộc Lữ đoàn lê dương 13 phòng giữ, gồm 3 cứ điểm vững chắc. Ở từng cứ điểm, lô cốt và chiến hào được xây dựng kiên cố, có sự bao bọc của 4 đến 6 hàng rào dây thép gai xen kẽ các bãi mìn rộng từ 100 đến 200m. Tuy nhiên, Bộ chỉ huy chiến dịch vẫn quyết định chọn Him Lam để mở màn chiến dịch vì nhận thấy cụm cứ điểm này tồn tại điểm yếu không thể khắc phục. Đó là một vị trí đột xuất, nằm cách Phân khu trung tâm 2,5km. Khoảng cách này cho phép ta tập trung sức mạnh cần thiết, cô lập Him Lam trong một thời gian nhất định để tiêu diệt. Nếu trận đánh kết thúc trong đêm, khả năng tăng viện của địch từ Phân khu trung tâm hoặc các cứ điểm lân cận có thể loại trừ. Thực tiễn đã chứng minh nhận định, quyết tâm đánh Him Lam để mở đầu chiến dịch là chính xác. Đánh thắng trận mở đầu, nhanh chóng tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam trong đêm 13-3 chỉ sau hơn 5 giờ chiến đấu đã mở đường cho quân ta đánh chiếm toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành tiếng sấm rền vang làm rung chuyển thế giới, xé toạc đám mây đen của chủ nghĩa thực dân - đế quốc, mang đến nguồn cổ vũ to lớn cho các dân tộc bị áp bức đứng lên giành độc lập. Ba tiếng Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ vang lên khắp mọi nơi, trở thành niềm tự hào và khát vọng tự do của loài người tiến bộ, là biểu tượng của lòng quả cảm vô song và là ngôi sao sáng của phong trào giải phóng dân tộc, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân.Chiến thắng Điện Biên Phủ càng trở nên vĩ đại hơn vì đó là thắng lợi của một đội quân non trẻ của một dân tộc bị coi là nhược tiểu nhưng đã đánh đổ gã khổng lồ của chủ nghĩa thực dân với quân số và trang bị vũ khí vượt trội. Trong 56 ngày đêm, quân ta đã xóa sổ hơn mười sáu ngàn quân địch, đập tan tập đoàn cứ điểm vốn được phương Tây coi là “pháo đài bất khả xâm phạm”. Đây cũng là lần đầu trong lịch sử một đội quân viễn chinh lớn như vậy của một đế quốc phương tây bị tiêu diệt tại một nước thuộc địa.
Đèo Pha đin ngày nay
70 năm đã trôi qua. Những cánh rừng cháy trụi, xám xịt bởi đạn bom giờ đã được phủ kín bằng màu xanh ngút ngàn của cây cối. Sân bay Mường Thanh hiện đại mới được khánh thành và đưa vào khai thác. Những ngôi nhà mới tiếp tục mọc lên. Trên những quả đồi, những cánh đồng chết chóc, lúa và hoa màu lên xanh; các loài hoa lại nở rộ, trả về cho Điện Biên nét đẹp diệu kỳ của núi rừng Tây Bắc. Những người chiến thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa đa phần đã trở thành người thiên cổ. Nhưng chiến công hiển hách của họ thì mãi mãi còn lưu giữ trong sử xanh.
70 năm qua, đã có biết bao công trình nghiên cứu, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, đã có hàng vạn bài báo, cuốn sách viết về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhưng dường như vẫn chưa đủ. Nhiều nhà nghiên cứu, học giả nước ngoài đã viết những cuốn sách công phu, nghiêm túc, đánh giá rất cao chiến thắng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng trước những đội quân xâm lược hùng mạnh hơn mình nhiều lần. Nhưng họ vẫn chưa hiểu vì sao nhân dân Việt Nam đã đánh thắng được những kẻ thù hùng mạnh ấy? Đó chính là kết quả của đường lối kháng chiến đúng đắn của Ðảng dưới sự lãnh đạo và tư tưởng thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh với một đội quân anh hùng, nội dung cốt lõi là “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”. Suốt 30 năm chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước, đường lối chiến lược chiến tranh ấy không hề thay đổi, trở thành kim chỉ nam và ý chí, cùng niềm tin máu thịt của mọi người dân Việt Nam; xây dựng nên một đội quân bách chiến bách thắng, đánh bại những kẻ thù hùng mạnh nhất, bảo vệ độc lập, tự do và quyền tự quyết của dân tộc.
Chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc ta đã chứng minh một chân lý của thời đại: các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định thắng lợi.
Nguyên nhân thắng lợi
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ -chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử; là chiến thắng của đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
|
Bức tranh Panorama - tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Ngay từ ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân gồm 3 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; tiến công quân sự, địch vận và nổi dậy của quần chúng; đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hoá, ngoại giao.Nhân dân ta từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền xuôi, từ trẻ đến già theo lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng ra sức thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, thi đua giết giặc lập công, đóng góp sức người, sức của, bảo đảm cho chiến trường, tiếp thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng cho các lực lượng ngoài mặt trận.Quân đội ta trưởng thành vượt bậc về tư tưởng chính trị, lực lượng, tổ chức chỉ huy, trình độ tác chiến, trang thiết bị quân sự và bảo đảm hậu cần tiếp ứng cho chiến dịch quân sự quy mô lớn chưa từng có; cán bộ, chiến sĩ mưu trí, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chấp hành nghiêm mệnh lệnh chiến trường, dũng cảm hy sinh lập nhiều chiến công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chiến trường Điện Biên Phủ. Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu đã xuất hiện nhiều tấm gương kiên cường, anh dũng, mưu trí và sáng tạo tiêu biểu như: Tô Vĩnh Diện và Nguyễn Văn Chức đã hy sinh thân mình để bảo vệ pháo, Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai và còn biết bao tấm gương chiến đấu, anh dũng hy sinh khác đã làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam anh hùng.Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, nhân dân Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, sự giúp đỡ quý báu của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhận được sự ủng hộ của nhân dân các dân tộc bị áp bức ở Châu Á, Châu Phi, Mỹ La tinh, đặc biệt là liên minh chiến đấu giữa ba nước Đông Dương và phong trào đấu tranh của nhân dân tiến bộ trên thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Pháp.
Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ
Thứ nhất, là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tạo cơ sở căn bản và quyết định cho việc đi đến ký kết Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu chấm hết cho sự ngoan cố, hiếu chiến của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trên bàn Hội nghị, buộc Chính phủ Pháp cùng các bên tham dự phải ngồi vào bàn nghị sự, ký Hiệp định Giơnevơ (trừ Mỹ) đình chỉ chiến sự ở Việt Nam ngày 21/7/1954. Đây cũng là chiến thắng quyết định thắng lợi của ta trên mặt trận ngoại giao, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam.Thứ hai, mở ra giai đoạn cách mạng mới, đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước,
Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng ( Ảnh tư liệu) |
Chiến thắng Điện Biên Phủ đưa đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã tạo ra những thay đổi căn bản trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, ngoại giao… cho cách mạng Việt Nam và mở đầu một giai đoạn mới: miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Những thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như những đóng góp của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam đã củng cố niềm tin của Nhân dân hai miền vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ - “độc lập, tự chủ, quyết chiến, quyết thắng”, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta đã giành được nhiều thắng lợi to lớn, đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và đội quân chư hầu, giải phóng và thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.Thứ ba, khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sự lớn mạnh, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt NamChiến thắng Điện Biên Phủ đã chứng minh chân lý: Trong thời đại ngày nay, một nước nhỏ, kinh tế chậm phát triển nếu có một đảng mác xít chân chính lãnh đạo với đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, được nhân dân thế giới đồng tình, ủng hộ thì nhất định đánh thắng mọi kẻ thù, dù có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn gấp nhiều lần.Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ 34 chiến sỹ với vũ khí thô sơ năm 1944, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, càng đánh càng trưởng thành. Đây là cơ sở để sau này toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vững tin, dám đánh, biết đánh, quyết đánh và đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.Thứ tư, chấm dứt sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp ở ba nước Đông Dương, mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giớiChiến thắng Điện Biên Phủ thức tỉnh và cổ vũ các dân tộc bị áp bức trên thế giới vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do; buộc chính quyền Pháp phải chấm dứt chính sách cai trị thực dân, tiến hành trao trả độc lập cho nhiều nước ở châu Á và châu Phi, đồng thời xem xét lại vị thế và các chính sách của mình đối với các nước vốn là thuộc địa cũ. Việt Nam là nước tiên phong, là biểu tượng sáng ngời trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh đổ chủ nghĩa thực dân cũ, mở ra trang sử mới cho nhân loại, góp phần làm thay đổi cục diện thế giới. Giuyn Roa, ký giả kiêm sử gia, nguyên Đại tá quân đội viễn chinh Pháp khẳng định: “Trên toàn thế giới, Oatéclô trước đây không gây tiếng vang bằng, Điện Biên Phủ thất thủ gây nỗi kinh hoàng khủng khiếp. Đó là một trong những thảm bại lớn nhất của phương Tây, báo trước sự sụp đổ của các đế quốc thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa”.
Bài học kinh nghiệm
Chiến thắng Điện Biên Phủ buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Geneva (7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm (1945 - 1954). Ảnh: TTXVN |
“Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, anh dũng của quân và dân cả nước ta chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp Mỹ. Đây là chiến thắng vĩ đại của Nhân dân ta và cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay; chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng dân tộc nhất định thành công”. Từ thắng lợi vĩ đại này, chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu:- Một là, xác định đường lối kháng chiến đúng đắn, tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, vừa kháng chiến vừa kiến quốc vừa chống giặc đói, giặc dốt, vừa chống giặc ngoại xâm, tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.- Hai là, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.- Ba là, phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, sáng tạo, tìm tòi, xác định đúng đường lối cách mạng và nghệ thuật quân sự Việt Nam.- Bốn là, xây dựng sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà nòng cốt là liên minh công nhân - nông dân - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.- Năm là, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn quốc tế
Sưu tầm
Các tin khác
- Ý nghĩa lịch sử ngày Quốc khánh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9) - 31/08/2023 01:11
- Lịch sử, ý nghĩa của Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7 - 24/07/2023 00:52
- Trường Đại học Mỏ - Địa chất thực hiện tuyển chọn nam sinh viên tốt nghiệp đi đào tạo SQDB năm 2023 - 09/05/2023 02:30
- Khoa giáo dục quốc phòng tổ chức cho sinh viên học tập trở lại sau thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh covid 19 - 21/05/2020 18:55
- Kỷ niệm 66 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2020): Ký ức hào hùng về sức mạnh lòng dân - 06/05/2020 20:16