07/01/2025
1. Lời kêu gọi thi đua ái quốc ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông 1947), theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27-3-1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc để quy tụ sức mạnh của lòng yêu nước và truyền thống đoàn kết dân tộc, tạo nên một phong trào hành động thiết thực của toàn dân, huy động mọi lực lượng, mọi sáng kiến và tài năng của toàn dân vào công cuộc kháng chiến kiến quốc. Chỉ thị vạch rõ: “Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”.
Sau khi Đảng ban hành chỉ thị và nhân dịp kỷ niệm 1000 ngày kháng chiến toàn quốc, ngày 11 tháng 6 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi, chính thức phát động cuộc vận động thi đua ái quốc. Thi đua ái quốc kết tinh trong đó cả động lực và cách thức phát huy động lực thúc đẩy mạnh mẽ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vừa nhằm bảo vệ chủ quyền độc lập tự do của dân tộc vừa từng bước kiến thiết chế độ mới dân chủ cộng hòa.
Lời kêu gọi của Người đã được đăng trên báo Cứu quốc, số 986, ra ngày 24-6-1948.
Là một con người hành động, Bác thường chủ trương hành động là chủ yếu, nói ít làm nhiều, lời nói đi đôi với việc làm. Chỉ nói và viết khi cần thiết, khi thấy thực sự cần thiết, để hướng dẫn hành động, thúc đẩy hoạt động hướng tới mục đích, mục tiêu đã vạch ra. Là người luôn chú trọng tới các công việc thực tế, Hồ Chí Minh chủ trương phải bám sát thực tiễn cuộc sống, hành động phải thiết thực, hiệu quả. Bởi vậy, Người xa lạ với mọi thứ phù phiếm, khoa trương, tích cực đấu tranh chống bệnh hình thức và lý thuyết suông, coi khinh lý luận, tầm nhìn hạn hẹp, thực dụng một cách tầm thường, chỉ thấy cái trước mắt mà không thấy triển vọng lâu dài. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người thấm nhuần sâu sắc quan điểm thực tiễn, quan điểm phát triển và quan điểm đổi mới.
Lịch sử phong trào thi đua ái quốc của nhân dân Việt Nam kể từ khi có Đảng đã in dấu ấn sâu sắc tư tưởng, phương pháp và phong cách của Người - nhà tư tưởng và tổ chức thiên tài của cách mạng Việt Nam, người thiết kế lý luận về thi đua yêu nước đồng thời lại là người nêu gương thực hành lý luận ấy trong cuộc sống hàng ngày, làm kiểu mẫu cho cán bộ đảng viên và nhân dân noi theo với phương châm cố gắng nữa, cố gắng mãi, tiến bộ nữa, tiến bộ mãi, chăm lo cho quyền lợi của dân, vì hạnh phúc của mọi người dân, coi phục vụ nhân dân là phục tùng chân lý cao nhất, làm công bộc, trung thành, tận tụy với dân là lẽ sống cao thượng nhất.
Tư tưởng dân chủ và giá trị nhân văn ấy là một trong những điểm cốt yếu của triết lý Hồ Chí Minh, của văn hóa Hồ Chí Minh, được thể hiện sinh động trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Đây cũng là sự nhất quán trong toàn bộ các văn phẩm cũng như cuộc đời, sự nghiệp của Người.
2. Nội dung Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chí Minh đề cập tới mục đích thi đua, cách thức tổ chức thi đua (mà Người gọi một cách giản dị, thiết thực là “cách làm”), xác định trách nhiệm, bổn phận của mỗi người dân tham gia thi đua với tư cách công dân - chiến sĩ. Người còn nhấn mạnh đến phương châm, khẩu hiệu trong cuộc vận động thi đua ái quốc, những kết quả cần đạt được, Người cũng nêu rõ nhiệm vụ thực hiện phù hợp, sát với từng đối tượng trong cơ cấu xã hội. Người hy vọng và tin tưởng vào triển vọng tốt đẹp của cuộc vận động thi đua ái quốc khi nó trở thành một phong trào xã hội rộng lớn và có sự tham gia hưởng ứng của toàn dân. Người còn nhận thấy những nhân tố rất thuận lợi cần phải khai thác và phát huy để thúc đẩy phong trào thi đua ái quốc thắng lợi. Kết thúc văn kiện chính trị quan trọng này, Người kêu gọi toàn thể đồng bào chiến sĩ tiến lên trong thi đua như trực tiếp xông pha trên mặt trận. Toát lên trong toàn bộ lời văn và câu chữ của Người là niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của toàn dân, sự trân trọng tin yêu vào những phẩm giá tốt đẹp của nhân dân, vào truyền thống yêu nước, quật cường của dân tộc, của quân và dân ta. Với sức mạnh ấy, nhất định chúng ta sẽ kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công.
Thi đua ái quốc nhằm diệt ba thứ giặc đó, là mục đích trực tiếp để giải phóng dân tộc và cũng là động lực trực tiếp để phát triển dân tộc. Sau này, trong tiến trình xây dựng chế độ mới, nhất là khi Đảng đã cầm quyền và Nhà nước dân chủ được lập ra, lấy việc phục vụ nhân dân làm tâm nguyện và ý chí cũng như hành động đồng tâm hiệp lực của tất cả mọi người dân, của mỗi cán bộ đảng viên và công chức nhà nước…
Đó là ý nghĩa sâu xa của mục đích thi đua ái quốc mà Hồ Chí Minh đã đề ra, mãi mãi còn giá trị. Nói về cách làm, Người đã chỉ dẫn điều hệ trọng căn bản nhất, đó là phải biết dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây dựng hạnh phúc cho dân. Chỉ trong một luận đề ngắn gọn đó, Hồ Chí Minh đã nêu lên một tổng kết lý luận có tính quy luật của muôn đời mà sức thuyết phục lớn lao, có độ tin cậy bền vững nhất chính là ở chỗ, thấy rõ sức mạnh của mọi nguồn lực vật chất và tinh thần là ở nơi dân, ở trong dân, cách mạng lấy sức mạnh từ lòng dân, lấy mục đích, mục tiêu là vì dân. Hạnh phúc cho dân là tiêu điểm, hợp điểm của mọi nỗ lực thi đua, mọi hành động thi đua. Vậy là yêu nước chính là yêu dân, nước là của dân nên thương dân, chăm lo cho cuộc sống của dân, đem lại hạnh phúc cho dân là đạo lý, đạo nghĩa lớn nhất của Đảng cách mạng, của người cách mạng. Từ khái quát lý luận này của Hồ Chí Minh mà ta hiểu sâu thêm, vì sao ngay từ những ngày đầu tiên của chính thể dân chủ cộng hòa, Người đã từng rất mực quan tâm tới những việc cần làm ngay, những công việc cấp bách, làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có nhà ở, ai ai cũng được học hành, được chăm sóc sức khỏe, được hưởng thụ văn hóa tinh thần. Người từng nói rõ: nước nhà tranh đấu cho được độc lập tự do mà dân vẫn đói rét, cực khổ, lạc hậu thì độc lập tự do đó cũng chẳng để làm gì. Dân chỉ biết đến tự do dân chủ khi dân được ăn no mặc ấm. Bởi thế, Người thường xuyên chăm lo phát triển sức dân đi liền với bồi dưỡng sức dân và biết tiết kiệm sức dân.
Là linh hồn tư tưởng của đoàn kết, đại đoàn kết dân tộc, Hồ Chí Minh không chỉ thức tỉnh và khích lệ toàn dân, lôi cuốn họ nhập cuộc vào phong trào thi đua ái quốc mà còn tôn vinh vai trò, vị thế của người dân với tư cách công dân – chiến sĩ, yêu nước và cách mạng. Người quan tâm tới tất cả mọi người, mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ đều cần phải trở thành một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Đây là chỗ cho thấy, thi đua ái quốc là trường học cho sự trưởng thành nhân cách, cho sự hình thành và phát triển tính tích cực chính trị công dân của mỗi người.
Người chú trọng chuyển hóa nhận thức thành hành động và kết quả, mà kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc sẽ là toàn dân đủ ăn, đủ mặc, toàn dân biết đọc, biết viết, bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm, toàn quốc sẽ thống nhất, độc lập hoàn toàn. Theo cách nói ngày nay, đây chính là định hướng, là chỉ tiêu của mọi phong trào, mọi cuộc thi đua. Đó cũng là những định tính của phát triển, của tăng trưởng và tiến bộ. Ở đây có cả những yêu cầu cần đạt đến trực tiếp, trước mắt mà còn có cả những yêu cầu sâu xa, lâu dài. Đó cũng là tâm nguyện, hoài bão, ý chí mãnh liệt của Người, theo đuổi Người suốt cả cuộc đời. Khi viết Di chúc, Người coi đó là điều mong muốn cuối cùng của Người. Chỉ điều ấy thôi cũng cho thấy sự bền bỉ vĩ đại, tâm hồn, tình cảm cao thượng của Người, một con người, một cuộc đời đã dâng hiến và hóa thân vào dân tộc, nhân dân và cả thế giới nhân loại cần lao, tranh đấu cho độc lập, tự do.
Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến kiến quốc. Phong trào sôi nổi, sẽ ăn sâu lan tộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, mọi khó khăn sẽ được dẹp tan, mọi âm mưu của địch sẽ thất bại, chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng.
Nội dung, giá trị và ý nghĩa của Lời kêu gọi là ở đó.
Qua đây có thể rút ra một vài nhận xét về phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh mà cũng là bản lĩnh văn hóa Hồ Chí Minh. Đó là:
Người có thể sử dụng trong tác phẩm của mình một lượng chữ ít nhất để bao quát được tư tưởng, ý nghĩa một cách nhiều nhất (chữ ít nhất, nghĩa nhiều nhất).
Người sử dụng một cái tối thiểu (từ, chữ, lời văn), để tải một cái tối đa (tư tưởng, chính trị, đạo đức, văn hóa).
Người sử dụng điều giản dị, bình dị nhất để nói lên những vấn đề sâu xa, rộng lớn của tư tưởng, tâm hồn, tình cảm, niềm tin, ý chí và hành động của cả một dân tộc…
Đó thực sự là bài học mà chúng ta sẽ học tập suốt đời sao cho thấu hiểu và thấu cảm về Hồ Chí Minh.
3. Thi đua ái quốc từ một tư tưởng chỉ đạo trở thành một phong trào hành động của xã hội, của toàn dân. Thi đua ái quốc, qua thực tiễn và những trải nghiệm lịch sử đã cho thấy, đó không chỉ là động lực phát triển, là phương thức tổ chức lực lượng và phong trào hành động xã hội vì phát triển mà còn là một cuộc vận động chính trị, hình thành văn hóa chính trị trong Đảng, trong dân.
Nhờ thi đua ái quốc mà nhân dân ta đã giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, xứng đáng đứng trong hàng ngũ các dân tộc tiên phong chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân, vì hòa bình, độc lập, tự do và dân chủ.
Ngày nay, thi đua ái quốc lại càng trở nên quan trọng và cần thiết để dân tộc ta sớm ra khỏi tình trạng kém phát triển, chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, đánh bại chủ nghĩa cá nhân như một thứ giặc nội xâm, tiến tới văn minh, hiện đại, chủ động hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa, kiên định lý tưởng và mục tiêu độc lập đân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, dân tộc cường thịnh, trường tồn.
Vì vậy, hiện nay, những tư tưởng trong tác phẩm “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh dù đã qua 75 năm vẫn còn nguyên giá trị và cần được quán triệt, học tập và thực hành sâu rộng trong cả nước./.
*(Nguồn:https://media.qdnd.vn/long-form/loi-keu-goi-thi-dua-ai-quoc-mot-van-kien-lich-su-vo-gia)