Quân đội Nhân dân Việt Nam 70 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành
Quân đội Nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt của Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam, là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh “vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”. Tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên được thành lập ngày 22 tháng 12 năm 1944 theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (Tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) thành lập ngày 22/12/1944.
Khi mới thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chỉ có 34 cán bộ, chiến sĩ nhưng đã sớm phát huy được truyền thống chống ngoại xâm và nghệ thuật quân sự lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn của dân tộc. Ngay từ lần đầu ra quân, đội quân chính quy đầu tiên của Việt Nam đã lập nên những chiến công vang dội, giải phóng những khu vực rộng lớn làm căn cứ cho các hoạt động đấu tranh giành độc lập, mở đầu truyền thống quyết chiến quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam sau này. Ngày 15 tháng 5 năm 1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sáp nhập với lực lượng Cứu quốc quân và đổi tên thành Giải phóng quân, trở thành lực lượng quân sự chủ yếu của Mặt trận Việt Minh khi tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Thời gian từ năm 1945 đến năm 1954 là thời kỳ phát triển vượt bậc cả về số lượng và khả năng chiến đấu của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chỉ một thời gian ngắn, từ khi đất nước giành được độc lập đến tháng 11 năm 1945, Giải phóng quân đã phát triển từ một đội quân nhỏ trở thành Quân đội Quốc gia Việt Nam với quân số khoảng 50.000 người, tổ chức thành 40 chi đội. Năm 1950, Quân đội Quốc gia Việt Nam đổi tên thành Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cũng thời gian này, các đại đoàn (đơn vị tương đương sư đoàn) chủ lực quan trọng như các đại đoàn 308, 304, 312, 320, 316, 325, 351 lần lượt được thành lập, đến nay vẫn là những đơn vị chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ một đội quân chỉ vài trăm người khi tham gia Tổng khởi nghĩa, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã phát triển thành quân đội với các sư đoàn chủ lực mạnh, lập nên những chiến công lẫy lừng mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử ngày 07 tháng 05 năm 1954, đập tan mưu toan thiết lập lại chế độ thuộc địa của thực dân Pháp.
Sau khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết, đất nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Nhân dân Việt Nam đứng trước hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Nhiệm vụ của Quân đội thời kỳ này là vừa xây dựng chính quy, bảo vệ miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa vừa tham gia đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 15 tháng 02 năm 1961, Quân Giải phóng miền Nam, lực lượng quân sự của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất lực lượng vũ trang tại chỗ và lực lượng tăng viện từ miền Bắc. Trước sự can thiệp trực tiếp của Quân đội Mỹ, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã sát cánh cùng với Nhân dân và các lực lượng vũ trang khác, tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài và gian khổ, lập nên những kỳ tích mà tiêu biểu là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ ở miền Bắc mà đỉnh cao là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972; kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, thống nhất đất nước, mở ra thời kỳ phát triển mới cho dân tộc.
Sau chiến thắng lịch sử năm 1975, Quân đội Nhân dân Việt Nam lại cùng với Nhân dân cả nước tiến hành thắng lợi các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân Việt Nam vừa mới kết thúc thì chế độ diệt chủng do Pônpốt cầm đầu ở Cămpuchia đã kích động hận thù dân tộc, tiến hành chiến tranh xâm lấn ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Chúng gây ra nhiều cuộc thảm sát man rợ với Nhân dân Việt Nam sống dọc biên giới, đồng thời thực hiện chính sách diệt chủng đối với Nhân dân Cămpuchia. Đứng trước yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, ngày 23 tháng 12 năm 1978 Quân đội Nhân dân Việt Nam đã mở cuộc phản công chiến lược, đập tan cuộc tiến công của Quân đội Pônpốt. Sau đó, đáp ứng lời kêu gọi khẩn thiết của Nhân dân và Mặt trận Dân tộc Cứu nước Cămpuchia, Quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với các lực lượng vũ trang Cămpuchia, đánh tan 21 sư đoàn quân Pônpốt, xoá bỏ chế độ diệt chủng tàn bạo.
Bước vào thời kỳ xây dựng đất nước, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh biên chế, tổ chức, cắt giảm gần hai phần ba quân số. Các thế hệ sĩ quan, chiến sĩ vẫn kế tiếp nhau phát huy truyền thống và bản chất tốt đẹp của “Bộ đội cụ Hồ”, luôn làm đúng chức năng của một đội quân chiến đấu, một đội quân công tác, một đội quân sản xuất, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Thực hiện chức năng là một đội quân công tác, Quân đội Nhân dân ViệtNam luôn giữ vững mối quan hệ máu thịt với nhân dân. Là một trong các lực lượng nòng cốt tham gia công tác vận động quần chúng, các đơn vị quân đội đã tích cực thực hiện công tác dân vận. Nhiều đơn vị quân đội đã đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng sâu, vùng xa; tham gia công tác cứu hộ và giảm nhẹ thiên tai, phòng chống lụt, bão. Quân đội cũng tích cực tham gia xoá đói, giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, cùng với toàn Đảng, toàn dân hoàn thành chương trình xóa đói, giảm nghèo, đưa đất nước phát triển đi lên.
Là một đội quân sản xuất, các đơn vị trong toàn quân đã tận dụng mọi tiềm năng lao động, đất đai, kỹ thuật...để đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tạo nguồn sản phẩm bổ sung tại chỗ, góp phần giữ ổn định và cải thiện đáng kể đời sống bộ đội. Các nhà máy, xí nghiệp của quân đội đã sản xuất được các loại vũ khí, khí tài phù hợp với yêu cầu tác chiến hiện đại, đáp ứng các yêu cầu sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội. Nhiều đơn vị làm kinh tế của quân đội đã sản xuất và kinh doanh có hiệu quả, trở thành các tổ chức kinh tế lớn của đất nước, đi đầu trong kết hợp kinh tế với quốc phòng, góp phần xứng đáng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh của đất nước. Các doanh nghiệp quân đội đã tham gia nhiều dự án công trình trọng điểm của quốc gia như đường Hồ Chí Minh, đường dây 500 KV Bắc - Nam, dịch vụ dầu khí và nhiều công trình thuỷ điện lớn như Sông Đà, Drây H’ling... Hiện có 98 doanh nghiệp quân đội đang tham gia hoạt động trên nhiều lĩnh vực kinh tế như dịch vụ bay, dịch vụ cảng biển, viễn thông, công nghiệp đóng tàu... Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của các doanh nghiệp này ngày một tăng.
Thực hiện chức năng cơ bản là sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và các quyền lợi quốc gia của đất nước, Quân đội Nhân dân Việt Nam được tổ chức theo hướng tinh gọn, được trang bị các loại vũ khí, khí tài hiện đại cần thiết, thực hiện huấn luyện thường xuyên, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Hiện nay, Quân đội Nhân dân Việt Nam có lực lượng thường trực gồm bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương với tổng quân số khoảng nửa triệu người và lực lượng quân dự bị khoảng 5 triệu người. Bộ đội chủ lực là thành phần nòng cốt của Quân đội Nhân dân Việt Nam gồm lực lượng cơ động của các quân đoàn, quân chủng, binh chủng, bộ đội chủ lực của quân khu và bộ đội chuyên môn kỹ thuật. Bên cạnh các đơn vị huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu còn có hệ thống hoàn chỉnh các đơn vị bảo đảm hậu cần, kỹ thuật; các học viện, viện nghiên cứu, trường đào tạo sĩ quan và trường nghiệp vụ các cấp.
Ngoài ra, Quân đội Nhân dân Việt Nam góp phần không nhỏ vào thành công đối với công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Chính công tác đối ngoại quốc phòng đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững môi trường hòa bình, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, nâng cao tiềm lực sức mạnh của quân đội.
Dưới sự chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ của Thường vụ Quân ủy Trung ương và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, công tác đối ngoại quốc phòng đã triển khai một cách chủ động, toàn diện và đạt được hiệu quả thiết thực.
Trong giai đoạn 2011-2013, đã ký 50 văn bản hợp tác với 26 nước và tổ chức quốc tế. Đến nay, đã mở 34 cơ quan Tùy viên Quốc phòng tại các nước, trong đó có cơ quan thường trú tại 29 nước và 5 nước kiêm nhiệm; đã có 45 nước đặt cơ quan Tùy viên Quốc phòng tại Việt Nam, trong đó có 24 nước thường trú và 21 nước kiêm nhiệm.
Đối ngoại quốc phòng đã tập trung đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các nước láng giềng có chung đường biên giới, với các nước trong khu vực; đưa quan hệ hợp tác quốc phòng với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đi vào thực chất, phù hợp với lợi ích của tất cả các bên; thúc đẩy hợp tác thực chất với các nước bạn bè truyền thống…
Đối ngoại quốc phòng tham gia đóng góp tích cực vào các vấn đề an ninh, quân sự quốc phòng thuộc hiệp hội ASEAN, gắn với lợi ích quốc gia, đặc biệt là ở Biển Đông, đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Tất cả các nước ASEAN và 8 nước đối tác đã ủng hộ hoàn toàn sáng kiến Nhóm chuyên gia về hành động mìn nhân đạo do Việt Nam đưa ra.
Lần đầu tiên, Việt Nam đã cử lực lượng quân đội tham gia diễn tập trên thực địa về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và quân y tại Bru-nây, chủ trì tổ chức thành công Diễn tập thực binh ASEAN về ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo (ARDEX 13) trong năm 2013, cử cán bộ tham gia quan sát viên Lực lượng Gìn giữ Hòa bình LHQ tại Nam Sudan năm 2014. Việt Nam cũng đăng cai tổ chức thành công nhiều hội nghị đa phương trong khuôn khổ ASEAN về quân y, giao lưu sĩ quan trẻ…
Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tạo nên những chiến công mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc như những biểu tượng sáng ngời về một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, phục vụ, và là điểm tựa vững chắc để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hoàn thành hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa mến yêu.
Nguồn dẫn: Đại sứ quán CHXHCN Việt Nam tại Vương quốc Thái Lan
Tin mới
- Nhiệm vụ tuyển sinh đi đào tạo sĩ quan dự bị năm 2019 của Trường Đại học Mỏ - Địa chất - 03/04/2019 08:32
- Một số cảm nhận của sinh viên khi học môn Giáo dục quốc phòng & an ninh - 29/03/2019 08:30
- Giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên K63 - 12/10/2018 03:55
- Trường Đại học Mỏ - Địa chất tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ đối tượng 4 năm 2018 - 17/05/2018 02:28
- Bế giảng lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 3 thuộc Trường Đại học Mỏ - Địa chất - 02/01/2018 02:26