Ngày 28/4/2021, Nhà trường tổ chức quán triệt và giao nhiệm vụ tuyển chọn nam sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2021 đi đào tạo sĩ quan dự bị. PGS.TS Triệu Hùng Trường - Phó Hiệu trưởng, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự Nhà trường thay mặt Đảng ủy, Ban Giám hiệu quán triệt nội dung cuộc họp, triển khai nhiệm vụ cụ thể cho lãnh đạo các đơn vị có liên quan.

Năm 2021, Trường Đại học Mỏ - Địa chất được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ tuyển chọn 20 nam sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2021 để gửi đi đào tạo sĩ quan dự bị tại Trường Quân sự Quân khu 2 (phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), thời gian đào tạo 04 tháng, dự kiến khai giảng tháng 8/2021 (Quyết định số 71/QĐ-BGDĐT ngày 14/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

* Chỉ tiêu cụ thể như sau:

  1. Khoa Công nghệ thông tin: 3 chỉ tiêu.
  2. Khoa Cơ - Điện: 9 chỉ tiêu:

- Kỹ thuật cơ khí: 3.

- Kỹ thuật điện: 3.

- Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa: 3.

  1. Khoa Dầu khí (Kỹ thuật dầu khí): 1 chỉ tiêu.
  2. Khoa Khoa học và Kỹ thuật Địa chất (Kỹ thuật địa chất): 3 chỉ tiêu.
  3. Khoa Mỏ (Kỹ thuật mỏ): 1 chỉ tiêu.
  4. Khoa Trắc địa - bản đồ và Quản lý đất đai (Kỹ thuật trắc địa): 1 chỉ tiêu.
  5. Khoa Xây dựng (Kỹ thuật xây dựng): 2 chỉ tiêu.

* Đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo:

Đối tượng, tiêu chuẩn tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị thực hiện theo quy định tại Điểm c, khoản 1 và khoản 2, Điều 4 Nghị định số 78/2020/NĐ-CP ngày 06/7/2020 của Chính phủ về sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam, cụ thể:

  1. Nam sinh viên có lý lịch rõ ràng, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc có đủ tiêu chuẩn chính trị để bồi dưỡng phát triển thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân.
  2. Tốt nghiệp đại học năm 2021, chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của Quân đội (ưu tiên những sinh viên có kết quả tốt nghiệp đạt loại khá trở lên).
  3. Tuổi đời không quá 30 và không thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ hoặc miễn gọi nhập ngũ trong thời bình.
  4. Về sức khoẻ: Từ loại 1 đến loại 3 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng quy định khám sức khoẻ thực hiện nghĩa vụ quân sự.

* Hồ sơ của nam sinh viên trúng tuyển đào tạo sĩ quan dự bị bao gồm:

  1. Bản sao giấy khai sinh.
  2. Đơn tình nguyện đi đào tạo sĩ quan dự bị (đối với sinh viên tình nguyện).
  3. Bản thẩm tra xác minh lý lịch.
  4. Bản sơ yếu lý lịch tự thuật.
  5. Bản sao Bằng tốt nghiệp đại học hoặc Giấy xác nhận tốt nghiệp tạm thời (có công chứng).
  6. Bản sao Bảng điểm (có công chứng).
  7. Phiếu khám sức khoẻ theo mẫu quy định tại Thông tư liên tịch số 16 do cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe theo quy định.
  8. Sổ đoàn viên hoặc Giấy giới thiệu chuyển sinh hoạt Đảng tạm thời (nếu là đảng viên).

* Nghĩa vụ và quyền lợi của sinh viên:

Quyền lợi, nghĩa vụ của sinh viên trong thời gian đào tạo và sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo sĩ quan dự bị được thực hiện theo Nghị định số 79/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên, cụ thể:

  1. Chế độ tiền lương và phụ cấp, trợ cấp (Khoản 1, Điều 7)

- Những người tốt nghiệp đại học trở lên không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, sinh viên khi tốt nghiệp đại học, trong thời gian đào tạo sĩ quan dự bị, hằng tháng được hưởng phụ cấp bằng mức phụ cấp quân hàm của cấp thượng sĩ.

- Được thanh toán tiền tàu xe và phụ cấp đi đường như đối với quân nhân tại ngũ; thời gian hưởng phụ cấp theo cấp bậc quân hàm là thời gian đào tạo của từng đối tượng.

- Học viên khi tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, ngoài tiền lương, phụ cấp hiện hưởng, được hưởng thêm một tháng tiền lương theo cấp bậc quân hàm sĩ quan dự bị được phong (không phải trừ tiền ăn, phụ cấp quân hàm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tháng đó).

  1. Chế độ tiền ăn (Khoản 2, Điều 7)

Các đối tượng đực cử đi đào tạo sĩ quan dự bị, trong thời gian đào tạo được cơ sở đào tạo bảo đảm tiền ăn như đối với học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội. Trường hợp ốm đau nằm viện nội trú được hưởng tiền ăn bệnh lý nhưng hết thời gian đào tạo mà chưa khỏi bệnh thì được thanh toán tiền ăn bệnh lý tối đa không quá 15 ngày.

  1. Chế độ quân trang, đồ dùng sinh hoạt (Khoản 3, Điều 7)

Những người tốt nghiệp đại học trở lên không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, sinh viên khi tốt nghiệp đại học, trong thời gian đào tạo sĩ quan dự bị được cấp hoặc mượn quân trang, đồ dùng sinh hoạt.

  1. Chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Khoản 5, Điều 7)

Học viên đào tạo sĩ quan dự bị từ 03 tháng trở lên chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong thời gian đào tạo được cơ sở đào tạo đóng bảo hiểm y tế; mức đóng, hưởng bảo hiểm y tế được thực hiện như đối với hạ sĩ quan tại ngũ.

  1. Chế độ ốm đau, tai nạn hoặc chết
  2. Chế độ trợ cấp tai nạn (Khoản 2, Điều 6)

- Điều kiện hưởng trợ cấp: Quân nhân dự bị nếu bị tai nạn được Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên khám, giám định kết luận mức độ suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được hưởng trợ cấp trong trường hợp: Trên đường từ nơi ở đến nơi tập trung huấn luyện hoặc khi kết thúc đợt tập trung huấn luyện trở về nơi ở; trong giờ làm việc và tại nơi thực hiện nhiệm vụ; ngoài giờ làm việc, ngoài nơi làm nhiệm vụ khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người chỉ huy có thẩm quyền.

- Mức trợ cấp: Suy giảm khả năng lao động 5% thì được trợ cấp một lần bằng 8.000.000 đồng; sau đó, cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 800.000 đồng.

  1. Chế độ trợ cấp đối với trường hợp chết do tai nạn hoặc chết do ốm đau, tai nạn tủi ro (Khoản 3, Điều 6)

- Chết do tai nạn, gia đình được trợ cấp một lần bằng 57.600.000 đồng; thân nhân hoặc người tổ chức mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 16.000.000 đồng.

- Chết do ốm đau, tai nạn rủi ro, gia đình được trợ cấp một lần bằng 4.800.000 đồng; thân nhân hoặc người tổ chức mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 16.000.000 đồng.

  1. Về tham gia dự thi tuyển cán bộ, công chức, viên chức (Khoản 7, Điều 7)

Các đối tượng được tuyển chọn trong thời gian đào tạo sĩ quan dự bị có giấy báo thi tuyển công chức, viên chức hoặc thi nâng bậc, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức do cấp có thẩm quyền quyết định, được nghỉ học để tham gia dự thi, thời gian nghỉ không quá 07 ngày trong khóa học; được bảo lưu kết quả thi tuyển đến khi tốt nghiệp khóa đào tạo sĩ quan dự bị.

Các em sinh viên cần trao đổi thêm thông tin về công tác tuyển chọn, đào tạo sĩ quan dự bị, liên hệ với đ/c Phạm Công Tú - Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự Trường, số điện thoại: 0982.552.134 để được giải đáp./.

Khoa Giáo dục Quốc phòng, Trường Đại học Mỏ - Địa chất
Tầng 7, phòng 710, Nhà C12 tầng, Số 18 Phố Viên, P. Đức Thắng, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tel: (+84-24) 38387615  
Email: giaoducquocphong@humg.edu.vn