Ngày 12-12-2024 Trường đại học tổ chức hội thảo về Giáo dục quốc phòng với chủ đề: “Giáo dục quốc phòng và an ninh gắn với giáo dục toàn diện cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay”.
Giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên là một bộ phận rất quan trọng của công tác giáo dục quốc phòng toàn dân, là môn học chính khóa, môn học bắt buộc được pháp luật quy định nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện và xây dựng, hoàn thiện những phẩm chất của con người mới xã hội chủ nghĩa, học tập và nâng cao trình độ về kiến thức quốc phòng và an ninh là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi sinh viên.
Giáo dục quốc phòng và an ninh đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành một nội dung quan trọng để công dân phát huy trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, ngày 19/6/2013, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành “Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh” (Luật số: 30/2013/QH13) khẳng định cơ sở pháp lý và tầm quan trọng của công tác Giáo dục quốc phòng và an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng, an ninh, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hành động của toàn dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, củng cố quốc phòng, an ninh. Khai thác mọi nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh để xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội”
Có thể nói, giáo dục quốc phòng và an ninh có một vai trò và ý nghĩa rất to lớn trong việc giáo dục và nâng cao ý thức, phẩm chất đạo đức của con người đặc biệt là sinh viên - thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước. Trong thời kỳ mới, thời kỳ của cuộc cách mạng 4.0, việc nâng cao ý thức, trách nhiệm và hiểu biết về kiến thức quốc phòng và an ninh là một nhiệm vụ thiết thực hơn bao giờ hết, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và sức mạnh dân tộc không ngừng được củng cố và lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Để góp phần làm rõ mối quan hệ và những đóng góp của giáo dục quốc phòng và an ninh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khắc phục những tồn tại hạn chế để nâng cao chất lượng môn học GDQP&AN. Trường Đại học Mỏ - Địa chất tổ chức hội thảo “Giáo dục quốc phòng và an ninh gắn với giáo dục toàn diện cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay”. Trong hội thảo này nhiều khía cạnh lý thú được thảo luận như: Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chất lượng giảng dạy, học tập và quản lý khi sinh viên môn học giáo dục quốc phòng tập trung; Nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc; đổi mới nội dung phương pháp giảng dạy; nâng cao chất lượng NCKHCN, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên của nhà trường…
Đây là hội thảo khoa học lần thứ hai mà khoa GDQP tổ chức, tuy gặp một số khó khăn và với quy mô chỉ là hội thảo khoa học cấp trường, nhưng hội thảo vẫn được sự quan tâm và nhận được các bài tham luận có giá trị từ các giảng viên trong Khoa. Không những vậy, hội thảo cũng vinh dự nhận được sự quan tâm và đóng góp quý báu từ các giảng viên, các chuyên gia, nhà nghiên cứu là các Tiến sĩ, Thạc sĩ đến từ các đơn vị như: Binh chủng Pháo binh, Trường sĩ quan Pháo binh, Trường Đại học Mở Hà nội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Học viên chính trị và các giảng viên, nhà khoa học trong khoa Lý luận Chính trị, Trung tâm thư viện… của Trường Đại học Mỏ - Địa chất
Hội thảo đã nhận được 30 báo cáo toàn văn được gửi đến trong đó 28 báo cáo đã được lựa chọn để đăng tải trong Tuyển tập Báo cáo Hội nghị sau quá trình phản biện nghiêm túc và có trách nhiệm của Hội đồng Biên tập.
Hội thảo khoa học sẽ là dịp để các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên và các nhà quản lý giáo dục gặp mặt, trao đổi và nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục quốc phòng và an ninh với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc việt Nam xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là trong bối cảnh của hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra và tác động mạnh mẽ đến quốc phòng và an ninh trong giai đoạn hiện nay.
Hội thảo khoa học giúp giảng viên có điều kiện đào sâu hơn, nắm bắt chặt chẽ hơn kiến thức chuyên môn mà mình đang trực tiếp giảng dạy. Góp phần phát triển tư duy, năng lực sáng tạo, khả năng làm việc độc lập, trau dồi tri thức và các phương pháp nhận thức khoa học, giúp giảng viên rèn luyện và phát triển thêm tư duy độc lập, “tư duy phản biện”, biết bảo vệ lập trường khoa học của mình. Đồng thời là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao vị thế và uy tín của chính bản thân giảng viên, của khoa và khẳng định vị thế và uy tín của trường Đại học Mỏ - Địa chất với xã hội.
Các tin khác
- Khoa Giáo dục quốc phòng tham gia đón tiếp sinh viên K69 nhập học - 06/09/2024 08:26
- HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG NĂM 2024 - 30/05/2024 07:25
- THÔNG BÁO ĐĂNG KÝ HỌC GDQP&AN HỌC KỲ 3 (2023-2024) - 30/05/2024 04:26
- Khoa Giáo dục quốc phòng tiếp tục với nhiệm vụ giảng dạy tập trung tại khu B - 24/03/2024 20:29
- Đoàn cán bộ Binh chủng Pháo binh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 -11 - 21/11/2023 01:28